Monday, August 21, 2023

Những điều cha mẹ chưa kể...

(Ảnh st)

"Ông nó sao thế?"

"Mưa nhiều, đầu gối đau nhức quá bà ạ!"

"Đã bảo ông làm một chuyến xe lên thành phố để thằng Tú đưa đi khám rồi. Ông cứ không nghe lời thế này tôi biết phải làm sao?"

Bà Vân vừa xoa bóp đầu gối cho chồng vừa càm ràm. Bà trách thì trách vậy thôi, chứ trong lòng bà lắng lo nhiều lắm. Nhà có mỗi thằng con trai lại đi lập nghiệp ở xa. Bao năm nay, ở chốn thôn xóm xa xôi nghèo nàn này chỉ có hai cái thân già ở nhà rau cháo nuôi nhau. Nếu giờ ông Bình mà có mệnh hệ gì thì bà biết sống như thế nào?

"Bà chỉ được cái lo xa. Tôi chinh chiến xa trường bao năm, khi kết thúc chiến tranh lại tiếp tục lao động quần quật nuôi con cái ăn học thành tài. Tôi khỏe lắm, bà không phải nghĩ ngợi nghe chưa!"

Ông Bình dịu giọng chấn an vợ bằng câu chuyện xưa như diễm kể cả ngàn lần không biết chán. Bà Vân nghe xong chỉ biết gật gù như bao lần mà thôi. 

"Sao không nói gì, bà nhớ là đừng nói gì với thằng Tú nhé! Nó giờ có gia đình riêng rồi, lo cho các con đã đủ bận tối mắt, tối mũi. Đừng làm con nó bận tâm thêm nữa!"

Bà Vân buồn lòng. Lắm khi bà trách chồng mình vô cùng, lúc còn trẻ bảo đẻ thêm vài đứa, sau già còn có đứa nọ, đứa kia chăm sóc tuổi già cho mình, nhưng ông Bình cũng cứng đầu, vì muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con nên dù xung quanh xóm nghèo nhà nào cũng ba bốn người con thì ông vẫn quyết tâm giữ vững quan điểm chỉ đẻ một người con là anh Tú mà thôi. 

"Bà lại nghĩ về vấn đề đó à?"

"Ông cứ kệ tôi!"

"Làm sao mà tôi kệ được, bà cứ nghĩ nhiều lại thành trách thằng Tú cho mà xem." Ông Bình chép miệng, sự khổ tâm hiện rõ trên gương mặt. 

"Ông không phải lo, thằng Tú cũng là con trai tôi. Tôi thương nó còn chả hết, trách cứ gì. Chỉ là giờ chúng ta tuổi cao sức yếu rồi, cùng nhau lâm bệnh rồi đi cùng nhau thì chả nói làm gì, ông hay tôi mà đi trước thì người còn lại sao sống nổi!"

Bà Vân rơm rớm nước mắt, bà cảm thấy không còn đủ tự tin để sống vui vẻ, không lo nghĩ gì khi ở cái tuổi này. 

"Mẹ nói gì vậy ạ?"

Anh Tú thả rơi túi hoa quả và bánh trái trên tay xuống đất, chạy vội lại phía bố mẹ. Bàn tay anh lạnh ngắt do đi ngoài trời mưa, người thì ướt nước mưa, cứ khẽ run lên từng đợt. 

"Sao con lại ở đây, có công chuyện gì gấp à? Đang mưa gió thế này!"

Ông Bình và bà Vân cùng nhau lên tiếng. Hai người lo lắng vội vã đứng dậy cuống cuồng tìm khăn bông để lau người cho con trai. 

"Bố mẹ cứ kệ con ạ. Chút mưa gió này có hề hấn gì đâu ạ. Nếu con không bất ngờ về đến thì sao mà biết được bố mẹ lại có những suy nghĩ như thế này. Con thật sự cảm thấy không yên tâm nổi. Hay là..."

Chưa nói hết câu, ông Bình đã chùm khăn bông lên đầu anh Tú rồi lau đầu cho anh như khi anh còn nhỏ. Đối với ông mà nói, dù anh có trưởng thành cỡ nào thì trong mắt ông, anh vẫn chỉ là cậu con trai nhỏ bé mà thôi. 

"Dạ bố cứ để con, bố mẹ ngồi đi ạ. Con bị ướt mưa có tí thôi mà." Anh Tú vừa dọn gọn đồ rơi dưới sàn, vừa tiếp lời. 

"Rồi rồi, cứ lau khô đầu tóc, đi thay đồ ra không lại cảm lạnh." 

Bà Vân giục giã anh Tú. Chỉ đến khi thấy anh thay quần áo và lau đầu tóc khô ráo bà mới thôi không nói nữa. 

"Dạ, vậy con nói nốt ý của con khi nãy ạ. Hay là bố mẹ chuyển lên thành phố sống với vợ chồng con đi ạ. Chứ bố mẹ ở xa, những lúc mưa gió trở trời như thế này con lo lắng không làm ăn được gì. Tiền nong gửi về bố mẹ cũng không tiêu đến, cứ cất đi rồi con đưa các cháu về thăm, hai người lại dúi tiền cho chúng nó." Anh Tú thở dài. 

"Cha bố anh, giờ ông bà cho cháu tiền mà anh cũng cấm nữa hả." Ông Bình chép miệng. 

"Ý con không phải vậy, bố hiểu ý con mà cứ đánh trống lảng. Lần này con đội mưa gió về cũng để mời bố mẹ lên thành phố ở với vợ chồng con ạ. Bố không nghe mẹ của con vừa lo lắng những gì sao ạ. Con không về thì có phải hai ông bà lại ôm nhau khóc một mình rồi không!" 

Anh Tú quay sang trêu mẹ. 

"Nỗi khổ tâm của cái thân già này, giờ lại bị con cái mang ra trêu chọc. Bà già này khổ quá mà!" 

"Nếu không muốn con cứ lôi chuyện này ra trêu trước mặt con dâu và các cháu của bố mẹ thì hai người chuyển lên sống với vợ chồng con đi. Con xin hứa là giấu kín chuyện này đến lúc ch..."

"Thôi thôi, lại chuẩn bị vạ miệng. Mẹ thì không có gì khó khăn cả, chỉ là bố con ở đây quen rồi. Không phải mẹ chưa từng nói chuyện này. Khi nãy kêu ông ấy lên thành phố để con đưa ông ấy đi khám cái chân đau mà cứ bảo mẹ là thôi đừng làm phiền con kia kìa." Bà Vân đẩy "quả bóng" sang phía ông Bình. 

Ông Bình im lặng không nói gì, nhìn quanh căn nhà nhỏ cũ kỹ của mình, lại nhìn ra ngoài cửa sổ với những quang cảnh làng quê quen thuộc, nếu thật sự phải rời xa nơi đây, chắc chắn ông sẽ cảm thấy không nỡ. Đằng nào cũng gần đất xa trời rồi, chuyển đến một nơi xa lạ cũng để làm gì. 

"Dạ nếu là vấn đề này thì hay là bố mẹ cứ chuyển lên sống thử với vợ chồng con vài tháng. Cũng tiện thăm khám bệnh cho khỏi hẳn đi đã ạ. Rồi nếu không quen thì bố mẹ lại về. Nhà cửa còn đây, bố mẹ yên tâm nhé ạ!"

Anh Tú mỉm cười chắc nịch, tay nắm chặt lấy tay của bố mẹ. Có lẽ điều bố mẹ lo lắng hơn cả là sợ bản thân không bắt kịp với nhịp sống nơi phố thị. Nhưng đó đâu phải vấn đề, có anh và gia đình nhỏ của anh luôn bên cạnh, anh tin rằng những điều mà bố mẹ anh chưa bao giờ kể ra kia sẽ dần được sẻ chia và đại gia đình của anh sẽ vui vẻ quây quần bên nhau mãi mãi. 

"Được rồi, bố đồng ý!" Ông Bình thở hắt ra một tiếng sau khi suy nghĩ rất lâu. 

"Con cảm ơn bố mẹ đã cho con cơ hội được chăm sóc bố mẹ mỗi ngày!" Anh Tú ôm hai người vào lòng. Cuối cùng thì anh đã làm được rồi, điều mà anh luôn canh cánh không yên trong lòng bấy lâu nay.

---

"𝗡𝗵𝘂̛̃𝗻𝗴 đ𝗶𝗲̂̀𝘂 𝗰𝗵𝗮 𝗺𝗲̣ 𝗰𝗵𝘂̛𝗮 𝗸𝗲̂̉..." chỉ là một câu chuyện ngắn, nhưng qua câu chuyện này, Gi tin rằng mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu hơn về đấng sinh thành của mình. Cuộc sống tuy vội vã và nhiều lắng lo, nhưng hãy sống chậm lại đôi chút để chờ cha mẹ nữa các bạn nhé. Khi đó bạn sẽ lắng nghe được tâm tư của cha mẹ, để sau này dù có thể nào đi chăng nữa cũng không bao giờ phải hối hận. Tiền tài danh vọng rất quan trọng, nhưng hãy nhớ 𝘃𝗼̛́𝗶 𝗰𝗵𝗮 𝗺𝗲̣ 𝘁𝗵𝗶̀ 𝘀𝘂̛́𝗰 𝗸𝗵𝗼̉𝗲 𝘃𝗮̀ 𝗻𝗶𝗲̂̀𝗺 𝘃𝘂𝗶 𝘁𝗿𝗼𝗻𝗴 𝗰𝘂𝗼̣̂𝗰 𝘀𝗼̂́𝗻𝗴 𝘁𝗶𝗻𝗵 𝘁𝗵𝗮̂̀𝗻 𝗺𝗼̛́𝗶 𝗹𝗮̀ 𝗺𝗼́𝗻 𝗾𝘂𝗮̀ 𝘆́ 𝗻𝗴𝗵𝗶̃𝗮 𝘃𝗮̀ 𝗾𝘂𝘆́ 𝗴𝗶𝗮́ 𝗻𝗵𝗮̂́𝘁 các bạn nhé!

Gi

(00h10 pm - 13/08/2023)