Friday, January 5, 2018

[Hộp cảm xúc 6 - Diễn đàn Gác Sách] - Ấu thơ trong tôi là ô ăn quan

Mới ngày nào mà nay đã xa!
(Ảnh internet)
- Bố! Mua con trò chơi này đi ạ! - Thằng con trai năm tuổi réo rắt gọi tôi trong siêu thị chỗ quầy đồ dành cho trẻ em.
- Đợi bố lát. - Tôi đang cùng vợ chọn mua sổ nhật ký cho con gái học lớp chín và cháu gái học lớp ba, nên bảo con trai chờ mình.
Chọn mua xong tôi ra chỗ cu cậu ngay. Rẽ qua khúc cua ở mấy gian hàng gần đó, thấy những đứa trẻ xung quanh cứ bấu víu vào cha mẹ chúng để đòi họ mua cho nào là ô tô, máy bay điều khiển từ xa hay bộ người máy chiến đấu… Tôi đoán chắc thằng cu con nhà mình cũng thế, vì đây là sở thích chung của bọn trẻ ngày nay mà! nhưng khi nhìn vào hộp đồ chơi hình vuông có ghi chữ "Ô ăn quan" mà con tôi đang chỉ, tôi bất giác mỉm cười. Có gì đó như dòng thời gian đang dịch chuyển về quá khứ. Tôi nghĩ về thời bé của mình, cái thời trẻ con cặm cụi dùng đá màu vạch từng nét để vẽ bàn chơi ô quan, rồi còn vất vả đi kiếm quân từ đá hoặc từ hạt na hay từ các vật dụng khác nữa. Tôi thiết nghĩ lũ trẻ ngày nay thật sướng, muốn chơi ô quan là có ô quan - hiện đại và sạch sẽ.
Ô ăn quan ngày nay có thể chơi bằng ba cách: cách thứ nhất là đơn sơ mộc mạc như thời của tôi; cách thứ hai là chơi bằng bộ đồ chơi như con trai tôi vừa mua, có bàn chơi là tấm bạt nhỏ, các quân thì được làm bằng nhựa với các gam màu sáng; cách thứ ba là chơi bằng game trên máy tính hoặc điện thoại. Dù là chơi bằng hình thức nào đi chăng nữa thì các lối chơi và quy luật vẫn được giữ nguyên như hồi tôi còn nhỏ.
Cảm giác thật khó tả khi về nhà nhìn thấy con trai cùng cháu gái say sưa chơi trò ô quan mới mua, những năm tháng khó khăn, những kỉ niệm, tất cả mọi thứ đều ùa về!
...
Còn nhớ những ngày bé xíu của tôi và con bé Hạnh - em gái tôi, thật vui!
Vì nó là đứa nhút nhát, ngại giao tiếp với người ngoài, lúc nào cũng chỉ ở nhà ngủ và vẽ vời linh tinh. Tôi có cảm giác nó như trẻ tự kỉ vậy. Thế nên trưa nào tôi cũng quấy phá giấc ngủ của nó, không cho nó ngủ và bắt nó đi chơi cùng với tôi và đám bạn trong xóm. Có lần bị mẹ bắt gặp, mẹ mắng:
- Em nó còn bé, phải để nó ăn uống, ngủ nghê đúng giờ mới tốt! Cứ lôi nó đi dãi nắng, ốm ra đấy lại khổ tao!
Tôi khi đó chả biết nói gì chỉ lí nhí trong cổ họng câu "con xin lỗi".
Nhưng hôm sau đâu lại đóng đấy, tôi vẫn mon men gần giường dùng sợi tóc chọc chọc vào mũi con bé. Nó ngứa ngáy tỉnh dậy định khóc tôi đưa ngay cho vài cái kẹo, nó nín liền, sau đó tôi hỏi nó có muốn đi chơi nữa không. Hồi đó đám con trai chúng tôi mà đi chơi thì chỉ có một là ra đồng bắt cá và châu chấu về làm sạch rang lên ăn, hai là lên đồi hái sim, ba là thả diều ở mấy con dường vắng người, bốn là đá bóng. Vậy nên con em tôi mà đi chơi cùng tôi thì chỉ có thể chơi mấy trò đó. Mà nó là con gái nên phải chơi mấy trò này chắc chắn là không thích rồi! Lần này em tôi không muốn đi cùng, nó kêu trời nắng chỉ muốn chơi trong sân thôi. Vậy là tôi tiu nghỉu, chơi trong nhà thì có gì mà vui. Tôi cứ nài nỉ nó:
- Đi chơi với tụi anh, mày ở nhà làm gì, suốt ngày ngủ để mà thành con heo à! - Tôi hơi nặng lời thế là con bé lại nước mắt ngắn dài. May mà hôm đó mẹ tôi không có nhà, không thì tôi sẽ lại ăn vài cái cán chổi vào đít.
Không rủ được em gái đi chơi, tôi giận dỗi và chả thèm đếm xỉa gì đến nó mấy ngày liền. Em tôi hỏi gì tôi cũng quay đi không nói, làm mặt mũi con bé buồn thiu. Thế mà nó cũng không mách mẹ, chỉ lẳng lặng ngồi thu lu một góc nhìn tôi. Nghĩ cũng tội, nhưng hồi đó tôi vẫn còn là trẻ con nên hay chấp nhặt lắm. Đến ngày thứ ba, tôi tính thôi không giận em gái nữa, sáng hôm đó đi học tôi còn lấy tiền ăn sáng mua cho nó bộ hình dán búp bê nữa. Đang hí hửng chạy về nhà định khoe cho nó vui thì mẹ tôi đã hằm hằm đứng ở cửa quát lớn:
- Tao nói mày như thế nào mà vẫn chứng nào tật nấy vậy hả! Chắc trưa nào tao đi làm mày cũng lôi con Hạnh đi chơi đúng không! Hôm nay nó bị ốm, sáng phải nghỉ học, tao cũng phải nghỉ làm!
Mẹ nói rồi cầm chổi quất năm cái vào mông tôi đau không tả nổi, tôi lì mặt ra nói lại:
- Con đâu có, mẹ không tin hỏi nó đi! - Tôi chỉ thẳng tay về phía em gái, lúc đó tôi làm vậy chỉ vì muốn thanh minh chứ trong lòng không tức giận nó. Nó là em tôi mà, nó ốm, tôi thương lắm chứ! Vì mỗi lần con bé ốm nhìn nó gầy và nhợt nhạt vô cùng.
- Còn cãi! - Mẹ quát và vặn ngược tai tôi lên.
- Mẹ ơi, mẹ... anh Hiếu không có cho con đi chơi cùng đâu ạ! Hu hu. - Con bé Hạnh thấy mẹ đánh tôi vừa khóc vừa nói. Tôi đoán nó khóc vì sợ. Nó nhát gan lắm. Lần nào mẹ mắng tôi vì lý do gì đi chăng nữa, nếu có mặt nó ở đó, nó đều khóc mếu máo.
- ... - Tôi không nói gì, mặt cứ lầm lì nhìn ra sân. Nắng buổi trưa thật gay gắt!
- Thật không, mày cứ bao che nó! Lần sau tao mà bắt gặp thì cả hai đứa ăn đòn nghe chưa! - Mẹ nhìn cả tôi và Hạnh bực mình quát lớn rồi vứt cái chổi ra sân!
Tôi liền chạy ra nhặt chổi và dựng nó ngay ngắn sau cánh cửa gỗ màu nâu cũ kĩ. Tôi không bao giờ oán trách khi bị mẹ đánh mắng vì mẹ tôi vất vả lắm, một mình nuôi tôi và em gái ăn học. Nếu bố tôi không bị tai nạn tại công trường năm mẹ tôi sinh Hạnh thì có lẽ giờ gia đình tôi cũng không khó khăn đến vậy.
Năm đó tôi mới lên lớp bảy còn em tôi mới vào lớp mẫu giáo. Sự khó khăn nhọc nhằn này đến bao giờ mới kết thúc. Tôi thương mẹ quá!
- Mẹ ơi, lát ăn trưa xong mẹ cứ đi làm đi ạ, con hứa sẽ ở nhà chăm em và không đi đâu chơi hết, mẹ đừng giận con nữa! - Tôi đến bên mẹ và nói.
- Con phải biết hoàn cảnh nhà mình không như các gia đình khác, mẹ rất khổ tâm! - Mẹ đặt tay lên vai tôi nói rồi đứng dậy đi vào bếp.
Tôi cũng đi theo mẹ vào trong dọn cơm lên, Hạnh khi đó còn nhỏ nên chắc con bé chưa thể nào hiểu được những nỗi buồn lo vô hình trong đôi mắt của mẹ.
...
Sau bữa trưa, mẹ tôi đã đi làm còn mỗi tôi và em gái ở nhà, tôi lôi bộ hình dán búp bê ra đưa cho nó:
- Anh mua cho mày nè, mấy chị lớp anh kêu chơi trò này hay lắm, có thích không?
- Dạ có, khụ khụ... - Con bé vừa nói, vừa ho cứ như bà cụ. Lần nào ốm cũng là cảm sốt và viêm họng, nên khi thấy nó như vậy tôi cũng không quá lo.
- Thôi, nghe mày ho anh thấy não hết cả ruột. Tự chơi đi, anh đi làm bài tập, cần gì gọi anh.
Tôi ra gian phòng khách làm bài. Lát sau cứ nghe thấy tiếng xé giấy soàn soạt bên gian nhà trong, tôi nói vọng vào:
- Làm gì đó Hạnh?
- ...
Không thấy nó trả lời tôi liền đứng dậy đi vào trong.
- Mày làm gì thế? Sao anh hỏi không thưa?
- Dạ... dạ... em định làm quân cho trò "rải đá", híc... - Tưởng tôi sắp mắng, con bé mếu máo.
- Ai mắng đâu mà mếu với máo, mà trò "rải đá" là trò gì? - Tôi tò mò gãi đầu.
Con bé đăm chiêu suy nghĩ một lúc rồi lôi bút dạ ra vẽ một ô hình chữ nhật dài. Bên trong chia thành mười ô nhỏ, tiếp sau đó là thêm hai hình bán nguyệt ở hai đầu. Nó vẽ đến đây tôi hiểu liền là trò gì. Tôi lấy tay xoa lên đầu nó và nói:
- Đồ ngố tàu, "rải đá" cái gì mà "rải đá", ai nói với mày đây là trò "rải đá" hả?
- Tại... tại vì em không nhớ tên, chỉ nhớ lúc ở trường mẫu giáo bọn em dùng đá rải từng ô, sau đó ăn điểm. Híc... - Nó nói rồi giương đôi mắt to, trong veo lên nhìn tôi.
- Ha ha ha, hẳn là thế, nhớ kĩ lời anh nè, đây là trò ô ăn quan nghe chưa!
Tôi cười sảng khoái vô cùng. Đã lâu lắm rồi tôi không chơi trò này, chắc từ hồi tôi học lớp bốn hay sao ấy, lúc đó theo chân mấy ông anh trong xóm đi ra đồng chơi, rồi đá bóng hay khi thì quán điện tử gần trường. Trò này, bây giờ tôi chỉ nhìn người ta chơi thôi chứ chả chơi nữa. Nhưng thấy Hạnh hì hụi xé giấy và vo viên lại tôi bỗng thấy muốn chơi rồi.
- Để anh làm cho. Chờ anh một tí.
Tôi cầm túi bóng chạy ra đường kiếm hơn năm chục viên đá nhỏ và hai hòn đá lớn. Về đến nhà đã thấy con bé đang dùng phấn vẽ bàn chơi ô quan. Tôi vừa lau mồ hôi vừa nói:
- Để anh kẻ nốt cho, mày kẻ cứ bị lệch, xấu chết được.
- Em làm được mà! Xấu đâu ạ, em thấy nó đẹp mà. – Con bé nói và chu môi ra phụng phịu nhìn đáng yêu vô cùng.
- Trời! Mày nhìn kìa, đẹp gì chứ. - Tôi thuận tay véo yêu vào má nó một cái.
- Đau lắm, anh mà cứ cấu vào má em là em mách mẹ đó! Hứ. - Nó cáu và làm mặt dỗi.
- Ha ha ha, về mà mách. - Tôi ôm bụng cười, sao nó có thể nói là tôi cấu nó được chứ, có "cái cấu" nào lại thể hiện nhiều tình cảm như thế không? Ôi em tôi thật dễ thương.
Đến bây giờ khi nó là một cô gái trưởng thành, có cho mình một gia đình riêng nhỏ bé và đầm ấm thì tôi vẫn còn giữ thói quen "cấu" vào má nó. Và tất nhiên giờ con bé không đòi mách mẹ nữa mà thay vào đó là đi "báo cáo" với chồng nó. Thật là... Nó tuy lớn nhưng chỉ là dáng hình bên ngoài thôi, còn phần tâm hồn bên trong vẫn còn con nít lắm.
...
Sau khi nó mân mê vẽ xong bàn chơi ô quan thì tôi bắt đầu làm nhiệm vụ chia đá đều ra các ô. Rồi chúng tôi oẳn tù tì ai thắng thì được chơi trước. Kết quả là tôi ra kéo, con bé ra lá.
- Em không biết đâu, cho em chơi trước đi anh Hiếu. Hức... - Con bé chống tay vào má ăn vạ.
Tôi biết ngay mà, cho dù là tôi thua hay thắng thì nó đều là người được chơi trước. Ai bảo tôi là một người anh trai biết nhường nhịn và thương em chứ. Thật là thiệt thòi. Tôi nhăn mặt.
- Ừ, cho mày đi trước đó!
- Í chà. Hì hì. - Nó nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh và cười ngọt lịm. Tôi dám đảm bảo ai nhìn nụ cười trong trẻo này của nó cũng phải xiêu lòng.
Con bé chọn ô ở giữa để xuất quân, nó rải đá lần lượt từng ô về phía tay phải và cứ thế với lượt đi đầu tiên nó đã ăn được sáu quân. Lượt chơi được chuyển sang cho tôi. Nhưng thật không may là với lượt đầu ra quân tôi đã bị mất lượt do tôi dùng hết quân đúng lúc ô liền sau đó là ô quan, làm tôi tụt hết cả cảm xúc, còn em gái tôi sung sướng cười khanh khách.
- Há há, mất lượt rồi, mất lượt rồi. Đến em nè. - Không những cười lớn, nó còn vỗ tay nữa. Chắc hẳn rất vui, tôi thì không vui tẹo nào, chẳng qua là lâu rồi không chơi nên tôi mới bị nhầm thế thôi. Híc.
Lần thứ hai rải quân Hạnh ăn được một đá to và hai đá nhỏ, tức là con bé ăn được một quan và hai dân. Mà một quan theo luật mà chúng tôi ra sẽ được quy đổi thành mười dân. Trời, có lẽ phen này tôi thua thật. Đau lòng ghê! Con bé lại ngồi nhìn tôi lè lưỡi cười. Sao bây giờ tôi ghét nhìn nó cười quá vậy.
- Hừ, xem anh mày ăn hết cho coi. - Tôi vỗ ngực tự cao và đi lượt thứ hai của mình.
Lần này tôi lại mất lượt với lý do trên. Tôi lại hết quân khi ô liền sau đó là ô quan. Trời đất ơi, sao tôi đen thế chứ, rải quân ba vòng mỏi hết cả tay tưởng ăn được, ai dè... Tôi xị mặt nói:
- Chơi lại đi, ván này anh đen quá, cũng tại vì anh lâu ngày không chơi nên quên thôi.
- Không được, anh chơi bẩn thế, em không thích. Hức…
- Đi mà em gái của anh, mày mà chơi nữa cũng thắng thôi, với lại nếu thắng mà biết trước thì còn vui gì nữa. Mình chơi lại đi. - Tôi vừa nói vừa lấy tay gạt hết bàn chơi khiến tất cả các quân lẫn lộn vào nhau.
- Á! Anh làm gì đó, đồ bẩn tính, hu hu... khụ khụ... - Con bé hét lên mắng tôi và khóc ngon lành, đã vậy còn ho sặc sụa. Tôi biết ngay là sẽ thế mà.
- Ôi, anh xin lỗi. Đánh anh đi này! - Tôi cầm lấy tay con bé và dứ lên đầu mình.
- ...
Nó không nói gì cứ khóc lóc. Rồi bỗng nhiên...
- Á, a a a a đau anh! Ui cha. Mày mới là xấu tính, bẩn tính, anh kêu đánh mà, ai kêu dứt tóc hả? - Tôi giả bộ lừ mắt.
- Hu hu hu, tại... tại... em nghĩ đó là đánh. Hu hu. - Chắc bị tôi lừ mắt sợ nên càng khóc to hơn.
- Giờ mày cũng là đứa bẩn tính, anh cũng vừa chơi bẩn nên ta hòa nha. Vậy là nín được rồi chứ! - Tôi thản nhiên nói và sắp xếp lại bàn chơi. Chắc con bé không biết là tôi vừa dùng "khổ nhục kế" đâu. Ha ha ha. Tôi cười thầm.
- Vâng, thì chơi lại ạ, híc híc. - Con bé lau nước mắt, rồi vừa sụt sịt vừa nói.
- Thế mới là em anh chứ, he he. Mà mặt mũi tèm lem rồi, đợi anh vào lấy khăn lau mặt cho.
...
Những ngày sau đó cứ trò này chúng tôi lôi ra mà chơi, vì tôi đã tự hứa với mình không làm cho mẹ buồn và lo lắng rồi. Nam tử hán ai lại nuốt lời. Nhưng chơi mãi một trò thì chán, là tôi chán thôi chứ con em tôi thì...
- Anh không chơi với em à, híc. Em sẽ mách mẹ đó! - Nó kéo áo tôi và bắt đầu cái điệp khúc van nài không được thì dọa dẫm.
- Đau đầu chết được ấy, hừ... Ở nhà đợi anh ra ngoài năm phút nghe chưa. - Tôi nói rồi chạy biến.
Nắng giữa trưa chói chang như muốn thiêu rụi người ta vậy. Thật may là nhà thằng bạn thân gần bên, không chắc tôi điên liên mất. Đến cổng nhà thằng bạn, tôi đẩy cổng vào mà không cần gọi ai xin phép. Mấy con chó nhà nó thấy động xồ ra định cắn, nhưng khi thấy tôi kêu tên chúng thì liền ngoan ngoãn vẫy đuôi chào mừng tôi.
- Con chào cô, Tuấn có nhà không ạ? - Gặp mẹ Tuấn, tôi lễ phép chào hỏi.
- Hiếu à con? Nó đang rửa bát trong kia, đợi nó tí nhé. Hôm nay không phải ở nhà trông em à?
Mẹ Tuấn là người vô cùng hiền dịu, tôi sang nhà cậu bạn nhiều rồi, nhưng không khi nào thấy cô to tiếng, kể cả lúc tức giận. Với lại lúc đó tôi nghĩ cô ấy như vậy là do gia đình cô ấy khá giả, không có việc gì phải lo nghĩ, nếu ở hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi chắc cô ấy cũng nóng tính như mẹ...
Có lẽ sự túng thiếu khiến con người ta không còn giữ được bản tính như ban đầu nữa! Lúc đó thật sự tôi đã nghĩ vậy đó.
- Dạ, con phải trông em chứ ạ, nhưng hôm nay con muốn rủ Tuấn sang nhà con chơi cho vui, có mỗi con và em thì hơi buồn ạ. Hi. - Tôi thôi nghĩ lung tung, nhưng cũng kịp định hình mọi thứ để trả lời câu hỏi của mẹ Tuấn.
- Tuấn ơi, Hiếu nó đến này con, nhanh ra không bạn chờ. - Thấy tôi nói vậy cô ấy liền gọi giục Tuấn.
- Dạ, đợi con quét dọn nốt cái bếp đã. Chờ tao tí nhé Hiếu. - Cậu bạn tôi vẫn cặm cụi dọn rửa trong nhà, chỉ nói vọng ra phòng khách có vậy.
Tuấn là một thằng con trai tốt tính, ngoan ngoãn, tuy nhà có điều kiện nhưng lại rất giản dị, chịu khó, không bao giờ hống hách và khoe mẽ về gia đình cậu ấy.
- Dạ thôi, cô đừng giục Tuấn ạ, con chờ tí không sao đâu cô.
- Cũng phải nhanh cho hai đứa còn về bên kia chứ. Con đang để em ở nhà một mình phải không? - Nét mặt cô ấy thoáng lo lắng.
- Hi, cô không phải lo đâu ạ, em con tuy nhỏ, nhưng rất biết nghe lời ạ, con đã dặn dò nó kĩ rồi ạ.
- Ờ thế là được rồi. - Mẹ Tuấn hiền từ cười đáp.
...
Nói là ra ngoài năm phút mà tôi đã đi mất hơn nửa tiếng, kể ra thì tôi cũng lo lo cho con bé.
- Đi từ từ thôi mày! - Tuấn nói.
- Về nhanh thôi, tao nói với cái Hạnh đi ra ngoài năm phút mà giờ thì...
- Lo gì mày, mấy lần trước gặp, tao thấy em mày là đứa kháu khỉnh, biết nghe lời và có vẻ là đứa không nhát gan đâu. Ở nhà một tí không chết đâu mà lo. - Tuấn nói chắc nịch.
- Thôi đi mày, nó nhát lắm đó, mày có ở với nó đâu mà biết. - Tôi nhìn thằng bạn nói, còn cười đểu nó nữa.
- Chó! Mày đang cười đểu tao à? - Tuấn lừ mắt.
- Cũng có thể lắm, hờ hờ. Thôi đi nhanh nào!
...
Vừa về tới nhà đã thấy con bé Hạnh đứng giữa sân với tư thế vô cùng gớm mặt. Nó khoanh tay và hất mặt lên nói:
- Anh nói đi năm phút mà, em biết xem đồng hồ nhé. Năm phút qua lâu rồi.
- Em mày dễ thương quá nhở! - Tuấn nói nhỏ bên tai tôi.
- Không như mày nghĩ đâu. - Tôi chán nản nhìn Tuấn nói. - Ừ, anh xin lỗi, tất cả là tại thằng bạn anh nó lề mề đó mày. - Tôi nói với Hạnh và đánh ánh mắt sang Tuấn.
- Hừ, hai anh thật quá đáng, để em ở nhà đi chơi riêng, tối về em mách mẹ! - Nó lại bắt đầu rồi đấy...
Tuấn thấy Hạnh nói vậy đến bên con bé xoa đầu và nói:
- Chà, xem ra bọn anh có lỗi với em, anh thay mặt thằng Hiếu xin lỗi em và cho em cái này nè. - Nói rồi Tuấn lấy trong túi quần ra ba cái kẹo mút.
Thằng khỉ này mua kẹo lúc nào vậy. Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn nó. Nhưng dù sao dỗ cho em tôi vui và thôi cái trò mách mẹ đi là tôi cảm ơn nó rồi.
- Đấy, tao giao em tao cho mày đấy, tiếp nó chơi ô ăn quan đi, từ hôm nó biết chơi cái trò đó thì cứ hành tao mãi. - Tôi nói rồi mặc xác hai anh em nó ngoài hiên chơi đùa, tôi đi dọn nhà và làm bài tập.
...
Có lẽ vì ý thức được hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên dù có ham chơi cỡ nào tôi vẫn luôn dành đủ thời gian cho việc học. Mấy năm cấp hai tôi đều được học bổng, đỡ đần được một ít giúp mẹ. Lên cấp ba, tôi là học sinh giỏi nhất tỉnh, đạt huy chương vàng cuộc thi toán quốc gia và đi thi toán quốc tế đoạt giải ba mang lại niềm vinh dự cho Tổ quốc. Từ đó cuộc sống của tôi và gia đình đã sang một trang mới. Tôi được sang Úc du học, toàn bộ tiền học mẹ tôi không phải lo cho tôi mà do tỉnh chu cấp. Tức là thời điểm đó mẹ tôi chỉ phải làm kiếm tiền cho Hạnh đi học thôi.
Xa mẹ, xa em gái, tôi lo lắm. Em tôi khi đó mới học lớp năm, vẫn còn nhỏ dại liệu có chịu gắng sức học tập, không khéo lại hư! Nhưng trước lúc lên máy bay tôi đã dặn em gái nhớ ngoan ngoãn, và tất nhiên không thể quên nhờ vả Tuấn thi thoảng sang kèm cặp em tôi học hành. Có nó, mẹ tôi cũng đỡ lo. Đến một đất nước xa lạ, tôi cật lực học tập, thời gian rảnh thì đi làm thêm. Cuộc sống bên đây của tôi không hề thiếu thốn, chỉ hơi vất vả thôi.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, ba năm du học đã kết thúc, cơ hội mở ra cho một đứa du học sinh bằng giỏi như tôi là được giữ lại làm việc bên đó. Tôi đắn đo suy nghĩ và có gọi điện từ bên này về cho mẹ hỏi ý kiến, mẹ tôi động viên tôi ở lại, em tôi và cả Tuấn cũng nói tôi nên ở bên đó phát triển.
Trước khi chính thức ở lại làm việc tại Úc tôi có về Việt Nam để thăm người nhà. Vừa bước ra con bé Hạnh đã hét lớn tên tôi và lao tới ôm chầm lấy tôi. Nó mới học lớp tám mà đã cao ráo và rất xinh gái, tôi suýt nữa đã không nhận ra. Mẹ tôi cũng tiến lại ôm tôi với hàng lệ chảy dài. Nhìn mẹ đã già hơn nhiều rồi, tôi thương mẹ quá! Còn Tuấn thì khỏi phải nói, cậu ta ôm tôi và tặng cho tôi một quả đấm khá đau vào bụng. Chắc nó giận tôi vì ít liên lạc. Cũng phải, có lần Tuấn gửi e-mail cho tôi mà đến hơn một tuần sau tôi mới trả lời, vì tôi bận mà, tôi đoán là thằng nhóc đó sẽ thông cảm cho bạn nó thôi.
- Anh Hiếu, anh qua đó ba năm trời, giờ quay về thành trai Tây rồi, cố mà kiếm một cô vợ tóc vàng cho mẹ nhé. He he... - Hạnh lém lỉnh nói. Giọng điệu khác xưa nhiều quá.
- Con bé này, không khuyên anh chú tâm học hành lại khuyên anh năm sau cưới vợ. - Tôi làm bộ nghiêm mặt rồi nhìn qua Tuấn với ánh mắt vô cùng nguy hiểm. - Tuấn, mày dạy bảo nó thế đó.
- Ờ hờ, những cái đó đâu cần tao phải dạy, kiến thức "trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng" ai mà chẳng biết. Em ấy lên lớp tám rồi mà không biết mới là bất bình thường đó, Hạnh nhỉ? - Cậu ta nói và nháy mắt với Hạnh, hai đứa chúng nó nhìn tôi cười rất đểu.
- Giỏi, khá khen cho mày đó Hạnh, hùa vào với người ngoài, nói chuyện với anh trai không kiêng nể, không còn biết sợ anh mày nữa rồi. - Tôi nói rồi tóm lấy con bé để cù.
Bị tôi cù cho không thể nào ngưng cười, nó vừa cười vừa xin tha:
- Em xin lỗi, tha cho em, mẹ ơi cứu con, anh Tuấn cứu em! Ha ha ha. Buồn chết được ấy, bỏ em ra đi anh Hiếu. - Nó hết van nài đến cầu cứu người xung quanh.
- Bỏ em gái tao ra nào. - Tuấn xông vào đẩy tôi ra và nói như thật. Cái gì mà "em gái tao" chứ? Tôi tròn mắt nhìn thằng bạn thân.
- Hề hề, lêu lêu. - Sau khi được Tuấn cứu khỏi tay tôi, con bé lại dám lè lưỡi trêu ngươi tôi. Nhưng lần này tôi tha.
- Hẳn là em gái mày. Thằng ranh, tao đi có ba năm mà mày dám cướp em tao hả. - Tôi làm bộ lắc đầu và thở dài đi lên phía trước.
Thấy vậy Tuấn và Hạnh chạy lên, đứa thì khoác vai, đứa thì vòng tay qua eo ôm tôi. Cả ba chúng tôi cùng vui cười sảng khoái, mẹ tôi đi phía sau cũng mỉm cười hạnh phúc.
...
Một tuần đoàn tụ đã kết thúc, tôi phải lên đường sang Úc. Lần này tôi đi năm năm, khoảng thời gian dài hơn trước nhưng chắc chắn tôi đi sẽ có tiền gửi về cho mẹ và em. Hai người họ sẽ có cuộc sống ấm no đủ đầy hơn trước, thậm chí là dư giả. Nghĩ vậy tôi vui lắm nhưng khóe mắt vẫn cay cay.
- Con đi nhớ giữ gìn sức khỏe. Cứ bên đó, không phải lo đi đi về về thăm mẹ làm gì cho tốn kém. Hết thời hạn hợp đồng thì về. Lúc đó gia đình ta sẽ không phải xa nhau. - Mẹ nói rồi ôm lấy tôi, mẹ đã khóc thật nhiều.
- Mẹ yên tâm, con lớn lắm rồi, trước con còn ít tuổi đi ba năm còn chẳng sao, giờ mẹ khỏi lo đi. - Tôi nói chắc nịch rồi vòng tay ôm mẹ lần nữa. Hơi ấm này ba năm qua tôi thấy thiếu thốn quá.
- Anh Hiếu, ôm em nữa nè! – Con bé Hạnh cũng mắt mũi ướt nhoẹt ôm lấy tôi khóc nức nở.
- Ô, sao lại khóc, anh mày đi làm kiếm cơm mà, có năm năm thôi. - Tôi cười hề hề ôm cô em gái bé bỏng vào lòng. - Ở nhà nhớ nghe lời mẹ nhé. À mày học giỏi môn Anh thì gắng sức để vào cấp ba chuyên Anh nhé.
- Anh yên tâm, em là em gái của ai chứ! - Nó ôm chặt tôi hơn. - À, mai anh đi rồi, em muốn anh chơi cùng em trò này.
- Trò gì? - Tôi ngơ ngác hỏi.
- "Rải đá!" - Nó đáp rồi nhìn tôi cười toe. Đôi mắt vẫn còn ướt, mũi vẫn còn sụt sịt.
- À... Ok. Mà tối thế này kiếm đâu ra quân mà chơi? - Tôi định cầm đèn pin ra đường kiếm đá.
- Thôi khỏi anh, em đã chuẩn bị hết rồi nè. - Nó lôi phấn viết bảng và một đống hạt nhãn ra.
- Ôi trời, mày lấy đâu ra lắm hạt nhãn vậy. Chắc là ăn xong lười vứt rác rồi giữ lại chứ gì. - Tôi cười khoái trá.
- Xì, không phải đâu. Lớn rồi không ai chơi với em trò này, anh Tuấn bận, nên em giữ chúng để thi thoảng một mình chơi đó ạ. Lúc một mình chơi em nhớ anh ghê lắm đó! - Nước mắt nước mũi con bé lại rơi lã chã.
- Mít ướt quá nha. - Tôi lau nước mắt cho nó và xoa đầu. Tất nhiên là không thể thiếu cái "cấu" yêu vào má rồi.
Lần này chơi tôi lại toàn thắng, nhưng con bé không đành hanh đòi chơi lại như tôi năm xưa mà cười vui vẻ lắm. Mẹ tôi ngồi nhìn hai anh em chơi cũng cười theo. Lúc này đây tôi chỉ ước mình không bao giờ phải đi đâu xa gia đình.
...
Trở về với hiện tại nhìn con và cháu đang chơi đùa, tôi đến bên chúng và nói:
- Từ nãy tới giờ ai thắng nhiều nhất nào?
- Con thắng, em Tũn (tuy học lớp ba, nhưng theo thứ vị trong gia đình của người Việt con trai tôi vẫn là anh) chơi bẩn lắm, chơi thua cứ bắt con chơi lại thôi bố ạ! - Con trai kể tội đứa cháu yêu của tôi với sự tức giận không hề nhỏ.
- Ồ thế là không hay rồi nha Tũn, cháu phải chơi tới cùng chứ, sao có thể giữa chừng bỏ cuộc đòi chơi lại...
- Vì nó giống bác nó ngày bé thôi mà! - Hạnh từ đâu bước vào nói chen rồi cười gian. Mà sao cái con bé này lại kể tật xấu của tôi trước mặt bọn trẻ vậy chứ!
- Dì nói hay thật, bố như thế hồi nào? - Tôi chối đây đẩy. Dù sao tôi cũng không thể để sụp đổ hình tượng người bố hoàn hảo trước mặt con tôi được.
- Anh còn nói nữa, em làm chứng cho vợ em! - Lại thêm thằng Tuấn, hai đứa này từ ngày về sống với nhau thì sớm đã không coi ông anh này ra gì mà.
- Chú muốn chết đúng không? Lâu rồi không ăn đòn nên ngứa da, ngứa thịt hả? - Tôi lừ mắt, nhưng buồn cười quá lại không giả bộ cáu giận nổi.
...
Kể ra cũng là cái duyên. Trong suốt quãng thời gian tôi vắng mặt tại Việt Nam, Tuấn là người luôn sát cánh cùng gia đình tôi. Thằng bạn thân này của tôi đã bỏ cả cơ hội sang Mỹ để ở lại. Ban đầu tôi không biết vì sao, cứ chửi nó ngu này nọ. Mãi sau khi con bé Hạnh nhà tôi học xong đại học, nó nói thương con bé và muốn làm quen với tư cách người yêu, tôi mới biết hóa ra thằng này đã tăm tia em gái tôi từ khi nào. Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, phải nói rằng em gái tôi vô cùng may mắn mới vớ được Tuấn. Làm gì có ai yêu thích một người mà giữ mãi trong lòng, đợi đến khi người ta hoàn toàn có thời gian cho chuyện yêu đương mới ngỏ lời. Tôi thầm cười sung sướng vì rốt cuộc tôi chả mất công tìm con rể cho mẹ ở đâu xa, rể ngoan ở ngay sát vách rồi, chỉ việc làm đám rước về là được.
Còn về phần tôi, hạnh phúc bén duyên với tôi vào năm thứ tư khi tôi còn đang làm tại Úc. Đó là một người con gái vô cùng hiền dịu, cô ấy bằng tuổi tôi và cũng là du học sinh như tôi, cũng được họ giữ lại làm việc lâu dài tại đây, nhưng cả hai chúng tôi đều là những người yêu quê hương, muốn quay trở lại để cống hiến cho đất nước.
Về nước, tôi được mời làm giám đốc kinh doanh tại một công ty liên doanh với nước ngoài ở Hà Nội, được cấp nhà ở luôn nên tôi đón cả mẹ và em gái lên thành phố sống. Lúc đó Tuấn cũng đang công tác trên này nên tôi gọi nó về ở cùng. Tất nhiên chỉ ở chung trong khoảng thời gian đó thôi, sau này khi công việc ổn định, gia đình của cả hai anh em tôi đều êm ấm hạnh phúc thì hai đứa nó dọn ra ở riêng - trong căn nhà mà Tuấn thiết kế. Tôi quên nói nghề nghiệp của em rể tôi là kiến trúc sư, còn em gái tôi là luật sư kiêm phiên dịch viên cho công ty luật. Cuộc sống của chúng nó quá ư là "sang chảnh"!
Còn vợ tương lai của tôi thì khác, cô ấy từ chối làm tại các công ty và xin vào làm giảng viên nhóm ngành kinh tế tại trường đại học có tiếng trong nước cũng thuộc Hà Nội, sống một cuộc sống giản dị với tôi sau đó. Nói là giản dị nhưng với thu nhập vài trăm triệu một tháng, tôi đâu thể kém cạnh gia đình cái Hạnh được. Mẹ tôi về sống với tôi và vợ. Còn bố mẹ Tuấn cũng chuyển từ quê lên sống với gia đình nó. Cũng phải thôi, vì nó là con một mà. Không ở cùng nó ông bà biết ở với ai.
Nghĩ lại tôi bỗng thấy buồn cười, tôi cưới vợ năm tôi hai mơi sáu tuổi và em gái tôi cũng vậy. Nhưng chỉ khổ cho thằng em rể và cũng là thằng bạn thân của tôi khi mà tới năm ba mươi ba tuổi nó mới được cưới vợ. Và thật trùng hợp hơn nữa là hai đứa con đầu lòng của gia đình tôi và gia đình Hạnh đều là con gái. Con thứ của tôi là con trai, tôi đang tò mò không biết đứa con thứ hai của em gái và Tuấn có là con trai không. Nếu là thế thì thật tuyệt, mà nếu không phải thế thì cũng vẫn tuyệt. Vì năm nay em tôi đã ba mươi lăm tuổi rồi, có bầu cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn. Chỉ mong em nó mẹ tròn con vuông.
Đang lẩn quẩn nghĩ suy mẹ vỗ nhẹ vai tôi và nói:
- Con trai, cơm xong rồi, ta vào ăn cơm thôi. - Nụ cười trìu mến, không khó nhọc, cũng không cau có của mẹ tôi lại hiển hiện trên đôi môi. Tôi nghĩ năm đó mình đã đúng, đúng về cái suy nghĩ "cuộc sống dư giả thì con người ta sẽ thanh thản, dịu dàng hơn".
- Dạ vâng, để con ra thu bàn ô quan cùng bọn trẻ đã. - Tôi cười nhìn mẹ và nói.
...
Hôm nay là buổi họp mặt vào chủ nhật hàng tuần của hai gia đình chúng tôi, mọi thứ đều hoàn hảo... Những năm tháng xưa cũ dù có khó khăn thì ngày hôm nay và ngày mai chúng ta vẫn phải sống cho thật hạnh phúc, phải luôn luôn biết cố gắng vượt lên khó khăn của chính mình, có như thế thành công mới đến thật trọn vẹn với ta.
Năm tháng ơi, mới ngày nào mà nay đã xa!


Thiên Yết
(2:17 pm - 27/06/2015)

Đăng lần đầu tại diễn đàn Gác Sách.